Di sản Thái_Ngạc

Nhiều quân phiệt dưới quyền Viên Thế Khải không ủng hộ Đế mộng của Viên, và Thái Ngạc là một trong những lãnh tụ có công buộc Viên thoái vị, nên sau đó trở thành một trong số ít các Tướng lĩnh quân phiệt có ảnh hưởng và sức lôi cuốn bậc nhất.

Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Thái Ngạc đã làm được 2 điều to lớn được người đời ca ngợi, một là phát động "Khởi nghĩa Trùng Cửu" hưởng ứng cuộc "Khởi nghĩa Vũ Xương" và đẩy nhanh sự thành công của "Cách mạng Tân Hợi", góp phần không nhỏ cho sự ra đời của nhà nước Trung Hoa Dân Quốc, hai là tổ chức "Hộ quốc chiến tranh", dũng cảm đối đầu quân đội Bắc Dương hùng mạnh gấp nhiều lần để buộc Viên Thế Khải thoái lui và khôi phục chính phủ Cộng hòa, đưa quân đội Vân Nam trở thành đội quân tiên phong trong công cuộc kiến lập và bảo vệ các thành quả cách mạng. Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung SơnChu Đức luôn nhắc đến Thái Ngạc với những lời ngợi ca và sự nể trọng đặc biệt. Vì sự anh dũng khi cương quyết chống Viên Thế Khải cũng như tư cách đáng trọng khi ông chọn thái độ rút lui để nước nhà được thống nhất, các tư tưởng quân sự cũng như những lời giáo huấn của Thái Ngạc trong quân đội luôn được ưa chuộng và áp dụng.

Thái Ngạc từng viết và xuất bản một vài sách quân sự, mà tiêu biểu là tác phẩm "Kế hoạch quân sự" với ý định vạch ra một kế hoạch hoàn chỉnh nhằm củng cố nền Quốc phòng để bảo vệ Quốc gia trước mọi ý đồ xâm lược của ngoại xâm, mà trước nhất là Nhật Bản. Vài nguồn Sử liệu cho hay Thái Ngạc từng gửi bản thảo "Kế hoạch quân sự" cho Tưởng Bách Lý nhờ phê bình và hiệu đính giúp vào năm 1913, Tưởng cũng có thêm một số ý kiến của riêng mình, có lẽ vì vậy mà Bộ Tổng tham mưu Nhật luôn e ngại Thái Ngạc và Tưởng Bách Lý.

Là một quân nhân chuyên nghiệp và yêu nước, Thái Ngạc muốn xây dựng một nền Quốc phòng rộng khắp và mạnh mẽ như Đế quốc Đức, ông đề xuất những kế hoạch vĩ đại nhằm quân sự hóa quốc gia theo hệ thống "Nghĩa vụ quân sự - Cưỡng bách tòng quân" với mục đích trui rèn người công dân hầu đặt dấu chấm hết cho sự suy nhược của dân tộc để đối phó hiệu quả hơn mọi sự xâm lấn của ngoại bang trong tương lai, cũng chính vì vậy mà Thái Ngạc được xem như một trong số ít những người có công lao đóng góp cực kỳ quan trọng trong việc hình thành các tư tưởng quân sự cũng như tổ chức và đặt nền móng hiện đại cho quân đội Trung Hoa sau này.

Là một vị tướng, vị chỉ huy, một người thầy trong giới quân sự, Thái Ngạc luyện binh nghiêm ngặt, ông đòi hỏi ở binh sĩ những đức tính căn bản của người lính là kỷ luật, sự đoàn kết và sự rèn luyện cao độ về thể chất - thể dục, có được những điều ấy thì sẽ đạt được những đức tính khác và có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp. Thái Ngạc cũng giản dị hóa các đức tính quân sự của Trung Hoa từ xưa là khôn ngoan, trung thành, nhân từ, chính trực, can đảm và nghiêm khắc, và đề nghị các cấp chỉ huy phải luôn hướng theo lẽ phải của lương tâm, phải can đảm, ngay thẳng, vốn là những đức tính cơ bản của một sĩ quan chỉ huy. Có lẽ nhờ vậy mà quân đội Vân Nam trở thành một trong số ít các đội quân địa phương có tiếng tăm và hùng mạnh nhất nhì trong những năm đầu Dân Quốc kể cả sau khi Thái Ngạc qua đời cả hai thập kỷ.

Đường Kế Nghiêu từng là bộ hạ tâm phúc của Thái Ngạc tại Vân Nam. Vì từng là giảng viên quân sự, Thái Ngạc có nhiều học trò ở Hồ Nam, Qúy Châu, Tứ Xuyên, Quảng TâyVân Nam, vì vậy mà Viên Thế Khải luôn e dè ông, sắp đặt tư gia của ông ngay gần kề "Tổng thống phủ". Khi còn là giảng viên quân sự tại Quế Lâm, Quảng Tây, Thái Ngạc có người học trò xuất chúng là Lý Tông Nhân, cựu quân phiệt Quảng Tây, Đại tướng Quốc dân Đảng của Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc và là Phó Tổng thống của Trung Hoa Dân Quốc những năm hậu Đệ nhị Thế chiến. Còn khi giảng dạy tại Vân Nam, Thái Ngạc có người học trò khác cũng xuất sắc không kém là Chu Đức, Đại nguyên soái của Hồng quân Cộng sản Đảng, người đặc biệt xem thầy cũ Thái Ngạc là nguồn cảm hứng to lớn, ảnh hưởng đến nửa phần đời đầu tiên của Chu Đức.